
Sonia Sein, 56 tuổi, hiện có thể thở dễ dàng sau ca ghép khí quản đầu tiên trong lịch sử, tại bệnh viện Mount Sinai, New York.
Trong ca phẫu thuật kéo dài 18 giờ vào tháng 1, đội ngũ gồm 50 chuyên gia đã ghép khí quản mới vào mạng lưới mạch máu đầy phức tạp của nữ bệnh nhân. "Khi khí quản mới của bệnh nhân hoạt động, chúng tôi biết mình đã vượt qua chướng ngại đầu tiên", bác sĩ Genden, người đứng đầu kíp mổ, kể lại hôm 6/4.
Gần ba tháng sau ca ghép, bệnh nhân chưa gặp biến chứng hoặc dấu hiệu thải loại. Bà Sein vẫn phải uống thuốc chống thải ghép. Bác sĩ hy vọng có thể giúp bà giảm phụ thuộc thuốc trong vài năm tới.
Theo bác sĩ David Klassen, giám đốc y tế của Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng (UNOS), một cơ quan giám sát hoạt động ghép tạng ở Mỹ, kỹ thuật ghép khí quản vô cùng khó khăn. Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định ca phẫu thuật thành công hoàn toàn. UNOS khẳng định đây là ca ghép khí quản đầu tiên tại Mỹ.
Tuy nhiên, Alec Patterson, bác sĩ phẫu thuật ghép tạng tại Đại học Washington ở St. Louis, nhận định: "Nếu ghép thất bại, ta đã thấy hậu quả rồi. Song mọi việc hiện vẫn êm xuôi, chứng tỏ kết quả rất hứa hẹn. Đó là một bước tiến lớn".
Các bác sĩ cho biết phương pháp ghép tạng này có thể giúp nhiều người khác, bao gồm người có dị tật khí quản bẩm sinh hoặc bệnh nhân Covid-19 bị tổn thương khí quản nghiêm trọng do dùng máy thở.
Năm 2014, Sein hen suyễn nghiêm trọng, phải đặt nội khí quản, khiến khí quản của bà chịu tổn thương nặng. Bà trải qua một số cuộc phẫu thuật tái tạo khí quản nhưng vô ích và luôn phải đối mặt với nguy cơ bị ngạt thở. Sau ca ghép khí quản vào tháng 1, hiện bà có thể thở bình thường.
Cuộc phẫu thuật đã mang lại cho bệnh nhân cơ hội trải nghiệm những điều trước đây bà không thể làm. "Tôi thấy rất ổn. Tôi có thể khiêu vũ, chơi đuổi bắt quanh nhà cùng các cháu. Chúng tôi xem phim, nấu ăn và tạo ra những kỷ niệm đẹp", Sein chia sẻ.
Trong những năm qua, nhiều phương pháp đã được sử dụng nhằm cải thiện hoặc tái tạo khí quản. Các bác sĩ có thể loại bỏ những phần bị hư hỏng, thay thế chúng bằng các bộ phận giả, mô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc mô từ da và sụn sườn của bệnh nhân. Tuy nhiên, những kỹ thuật này không thể phục hồi đầy đủ chức năng cho khí quản.
Cơ quan này không đơn giản là một đường ống. Nó có những sợi lông nhỏ giúp chất nhầy xung quanh di chuyển và có độ mềm dẻo để mở ra co vào khi con người thở, nuốt, ho. Với những ca nặng, khí quản bị tổn thương hoàn toàn, ghép tạng là lựa chọn cuối cùng.

Sonia Sein trò chuyện cùng bác sĩ Eric Genden, người đứng đầu kíp phẫu thuật ghép khí quản. Ảnh: AP
Mai Dung (Theo AP)
NGUỒN: INTERNET